Bài này chuẩn bị học nè, coi đi goài soạn bài cho dễ nha
Phân tích bài thơ Tràng giang
Thời điểm cuối của dòng văn học lãng mạn (1930 – 1945), giữa lúc các nhà thơ lãng mạn đang sa vào bế tắc, suy đồi thì bỗng xuất hiện Huy Cận như một ngôi sao lạ. Với tập thơ “Lửa thiêng” (1940), Huy Cận đã hiện diện với một hồn thơ đa sầu đa cảm của một tâm hồn thi nhân chứa đầy bí mật.
Bài thơ “Tràng giang” với xúc cảm vũ trụ, thấm đượm tình yêu quê hương đất nước là một kiệt tác trong tập “Lửa thiêng” của nhà thơ Huy Cận.
Thiên nhiên là nguồn cảm hưng vô tận của các thi nhân lãng mạn. Nhà thơ Huy Cận cũng vậy, dòng sông Hồng đã quyến rũ ông, chiều chiều ông hay tha thẩn trên bờ sông Hồng. Hình ảnh dòng sông hiện lên trong thơ mang theo nỗi sầu của thi nhân:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.”
Làm sao phân biệt được “sóng gợn” trong lòng, hay “sóng gợn tràng giang”? Nhạc thơ thật hay. Là nhạc sóng, nhạc sông, hay nhạc lòng?
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp.”
Hai đầu câu thơ là hai thanh trắc, nhịp của “sóng gợn”, “điệp điệp”. Giữa câu là ba thanh bằng “tràng giang buồn” trầm lắng. Con thuyền trôi lênh đênh trên dòng sông, “con thuyền xuôi mái”, sóng không vỗ vào mạn thuyền mà “nước song song”. Con thuyền đã mang theo tâm trạng cô đơn của thi nhân. Sóng “buồn”, nước “sầu”. Cho đến một cành củi khô trôi trên dòng sông cũng như một thân phận lạc loài:
“Củi một cành khô lạc mấy dòng.”
Một cành củi khô bỗng trở nên có linh hồn là do cấu trúc ngôn ngữ, đảo ngữ “củi một cành khô” làm nổi bật sự cô độc, lạc loài, khô héo (khô trong nước mới lạ, mới tội).
Khổ thơ hay từng chữ một. Chữ nào cũng là của tràng giang mà chữ nào cũng mang theo một mảnh linh hồn của thi nhân.
Rời dòng sông, đôi mắt thi nhân lại đưa cái nhìn quan sát toàn cảnh của tràng giang. Từng câu thơ vẫn giữ được cái dư âm của nhịp sóng tràng giang:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều,
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng bến cô liêu.”
Những từ láy “lơ thơ”, “đìu hiu”, những nhịp đôi “nắng xuống trời lên”, “sông dài trời rộng” mang theo âm hưởng của sóng, hay là những chấn động của tâm hồn thi nhân? Nhà thơ trìu mến đối với cảnh vật. Những âm thanh xa vắng cũng len vào tận hồn thi nhân. Những tương quan không gian tạo ra vẻ đẹp mới lạ trong thơ:
“Nắng xuống, trời lên sâu chót vót.”
Tả chiều sâu trong chiều cao không hiện đại lắm sao!
Có thể nói hình ảnh nào trong bài thơ cũng là hình ảnh của tâm trạng. Hình ảnh có cũng vậy mà không cũng vậy. Có thì là “bèo dạt về đâu hàng nối hàng” lạc loài, vô định. Còn thì là “không”, không đò “mênh mông không một chuyến đò ngang”, không cầu “không cầu gợi chút niềm thân mật”. Nhà thơ thiết tha với sự giao cảm, nhưng cảnh vật thì “lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”. Cái lặng lẽ bên ngoài càng làm tăng lên sự xao động trong lòng. Đây là nỗi cô đơn của một tâm hồn yêu đời, thiết tha với cuộc sống.
Nỗi lòng cô đơn của thi nhân còn mở lên chiều cao và với những hình ảnh đối lập:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
Nghệ thuật tạo hình của nhà thơ cũng thật là đặc sắc. Cánh chim bé nhỏ bên núi mây bạc khổng lồ. Cái bé nhỏ càng trở nên bé nhỏ. Cảnh vật từ “lặng lẽ” chuyển sang động: mây “đùm”, chim “nghiêng cánh”, “bóng chiều sa”. Hình ảnh vừa nói được cái hùng vĩ của thiên nhiên, vừa bộc lộ lòng thương yêu, nâng niu đối với cái bé bỏng như cánh chim trước gió. Hãy nghe chính nhà thơ Huy Cận tâm sự: “Thiên nhiên tạo vật buồn nhưng đôi lúc bộc lộ vẻ đẹp kì vĩ lạ lùng”:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.”
Mây trắng hết lớp này đến lớp khác như những búp bông trắng nở ra trên trời cao. Ánh chiều trước khi vụt tắt rạng lên vẻ đẹp. Cánh chim bay liệng tuy gợi lên một chút ấm cúng cho cảnh vật nhưng nhỏ bé, mông lung quá.
Bài thơ kết thúc bằng những dòng suy tưởng:
“Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
Từ “dờn dợn” diễn tả được trạng thái rợn ngợp của nhà thơ trước cảnh trời nước mênh mông của tràng giang. Bất giác ta nhận ra chiều sâu hun hút của hồn thơ Huy Cận:
“Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà…”
Tứ thơ này, Huy Cận cách tân từ một ý thơ của Thôi Hiệu, trong bài “Hoàng Hạc lâu”:
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sứ nhân sầu.”
(Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)
Thôi Hiệu đứng trên lầu Hoàng Hạc, nhìn thấy khói sóng buổi chiều mà buồn nhớ quê hương. Còn Huy Cận thì “không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Trước buổi chiều tịch mịch trên bờ tràng giang mà nhớ đến quê hương, nhớ đến một cái làng sơn cước heo hút thuộc Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nhưng đó là bề nổi của tứ thơ này. Sâu thẳm hơn là nhà thơ đứng trên quê hương mình mà nhớ quê hương mình, cảm thấy lạc loài ngay chính trên quê hương xứ sở mình. Huy Cận nói một cách kín đáo là “lúc đó tôi buồn hơn Thôi Hiệu đời nhà Đường”.
Hãy nghe người bạn tri kỷ của Huy cận nói: “Đời xưa có một người thi sĩ lành như suối nước ngọt, hiền như cái lá xanh; gần chàng người ta cảm nghe một nỗi hòa vui như đứng giữa thiên nhiên, tâm hồn thơ thới. Thi sĩ thuở xưa làm những bài thơ bao la như lòng tạo vật. Xưa kia, chàng thương mến cỏ hoa, yêu dấu ân tình…” (Xuân Diệu). “Tràng giang” là tiếng thơ của tâm hồn như thế, một tâm hồn giao hòa cùng vũ trụ, sầu nhân thế, và cô đơn trước cái vô biên của trời rộng sông dài.